Nếu mình nói với bạn rằng từ ‘sức khoẻ tinh thần’ không đồng nghĩa với từ ‘tâm thần’, liệu bạn có tin mình không?
Trong văn hoá Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, việc bộc lộ về cảm xúc hay rắc rối về cảm xúc còn là một chủ đề làm cho nhiều người phải dè dặt. Không những vậy, đơn giản như việc hằng ngày nghe những câu như “Ê cái X dạo này nó hay thất thần, rồi suốt ngày đăng stt sầu thảm, rồi gào khóc. Chắc nó bị bệnh điên rồi”, dù chỉ thoáng qua thôi, còn làm chủ đề này thầm kín hơn nữa. Rồi khi chúng ta chôn sâu nó, chúng ta lại tạo cho bản thân những cái nhìn sai lệch về nó.
Nhưng làm sao mà chúng ta biết được thế nào mới là đúng, thế nào mới là sai? Bạn hãy tham khảo các lầm tưởng và sự thật sau đây để hiểu rõ hơn về cụm từ ‘sức khoẻ tinh thần’ nhé!
𝐋𝐚̂̀𝐦 𝐭𝐮̛𝐨̛̉𝐧𝐠 𝟏: Khó khăn về sức khoẻ tinh thần = Bệnh tâm thần
=> Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, sức khoẻ tinh thần được định nghĩa là ‘sự khoẻ mạnh của cá nhân về hành vi, nhận thức, và cảm xúc’. Nếu bạn gặp vấn đề về sức khoẻ tinh thần, chưa chắc bạn đã mắc rối loạn tâm lý. Cụ thể hơn, việc bạn cảm thấy buồn rầu và có ít năng lượng để làm một điều mình thích hơn mọi khi không có nghĩa là bạn đang mắc rối loạn trầm cảm. Hơn nữa, rối loạn tâm lý có rất nhiều loại và rối loạn ‘tâm thần’ chỉ là một phần nhỏ trong đó. Vì vậy, gặp khó khăn về sức khoẻ tinh thần không có nghĩa là một ai đó gặp rối loạn tâm thần!
𝐋𝐚̂̀𝐦 𝐭𝐮̛𝐨̛̉𝐧𝐠 𝟐: Phải được chẩn đoán rối loạn tâm lý mới cần chăm sóc sức khoẻ tinh thần
=> Khi bạn hắt hơi và bắt đầu sổ mũi nhưng chưa sốt, chưa nhận chẩn đoán rằng bạn bị cảm lạnh, bạn có bắt đầu chăm sóc cho bản thân hơn không? Đương nhiên là có. Bạn sẽ bớt uống đồ lạnh và pha cho bản thân một cốc trà gừng. Tương tự như vậy, khi bạn cảm thấy gần đây sức khoẻ tinh thần của bản thân chưa tốt lắm thì bạn nên bắt đầu chăm sóc sức khoẻ tinh thần. Hơn nữa, nhiều người lầm tưởng chăm sóc sức khoẻ tinh thần có nghĩa là sử dụng thuốc nhưng thực chất có vô vàn cách, trong đó có nhận tham vấn 1:1 với một chuyên gia tâm lý để giải toả cảm xúc, dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, hay tăng thêm hiểu biết về những yếu tố chi phối sức khoẻ tinh thần của chính mình.
𝐋𝐚̂̀𝐦 𝐭𝐮̛𝐨̛̉𝐧𝐠 𝟑: Những người có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tinh thần là những người không thể cân bằng được những áp lực trong cuộc sống
=> Trên thực tế, những người có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tinh thần có khả năng cân bằng một lúc nhiều áp lực trong cuộc sống, thậm chí nhiều hơn những người khác. Ví dụ, một người đồng tính nam làm tốt công việc ở công ty cho dù có ngập lụt trong deadlines, vẫn về nhà chăm sóc hiếu thuận với bố mẹ nhưng cảm thấy cô đơn không biết phải chia sẻ những tâm sự riêng với ai. Điều quan trọng ở đây không phải là khả năng đối phó với áp lực trong cuộc sống mà là nhu cầu tâm lý riêng của mỗi người. Hãy thử nghĩ như cầu này giống như việc bạn có nhu cầu muốn ăn đồ ngọt nhiều hơn các bạn bè của bạn hay là việc bạn có nhu cầu tập thể dục nhiều hơn đồng nghiệp xung quanh. Ai ai trong chúng ta có những nhu cầu riêng và cả những lí do riêng đằng sau những nhu cầu ấy. Đơn giản vậy thôi!
Địa chỉ phòng khám:
số 15A/98, Vũ Trọng Phụng, P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội,