Bệnh giang mai là một trong những căn bệnh lây qua đường tình dục phổ biến và nguy hiểm hiện nay. Giang mai không chỉ ảnh hưởng sức khỏe tinh thần mà còn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân nếu không được phát hiện và chăm sóc y tế kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh và đường lây
Giang mai là một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. T.pallidum được phát hiện lần đầu năm 1905 được mô tả có hình dạng xoắn như một chiếc lò xo có từ 6-14 vòng xoắn (xoắn khuẩn).
Bệnh giang mai lây lan trực tiếp khi người lành tiếp xúc với các săng giang mai của người bệnh hoặc lây lan gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng nhiễm khuẩn. Tương tự như HIV/AIDS, giang mai cũng có 3 con đường lây nhiễm chính:
- Lây truyền qua đường tình dục (Bệnh lây qua quan hệ tình dục bằng đường hậu môn, âm đạo hoặc đường miệng).
- Lây qua đường máu (Qua truyền máu của người bệnh nhiễm giang mai hoặc tiêm chích ma túy sử dụng chung bơm kim tiêm).
- Lây truyền từ mẹ sang con (Người mẹ mắc giang mai có thể lây truyền cho thai nhi qua nhau thai kể từ tháng thứ 4 trở đi).
Tình hình giang mai hiện nay
Là một bệnh nguy hiểm và có khả năng lây lan nhanh, chính vì vậy, giang mai được WHO và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Một báo cáo của WHO về giang mai trên toàn cầu đã chỉ ra rằng:
“Tại 78 quốc gia trong báo cáo, trung bình 3,2% (khoảng 1,1% đến 10,9%) phụ nữ có thai có kết quả xét nghiệm giang mai dương tính. Giang mai trong thời kỳ mang thai là nguyên nhân thứ hai gây thai chết lưu trên toàn cầu. Bệnh cũng dẫn đến sinh non, nhẹ cân, tử vong và nhiễm trùng sơ sinh.”
“Trên thế giới, giang mai là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trong số 25 quốc gia báo cáo, có 11 đất nước có trên 5% nhóm MSM được chẩn đoán mắc giang mai. Bệnh có tỷ lệ lây nhiễm trung bình 11.8% (từ 5.2% đến 19.6%) trong nhóm MSM tại 25 quốc gia này năm 2019”
“Bệnh giang mai không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng chiếm 25% số người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán và điều trị.”
“Bệnh giang mai lây nhiễm trên 5% gái mại dâm ở 11 trong số 32 quốc gia trong báo cáo năm 2019. Con số này lên đến hơn 10% ở 4 quốc gia. Trong số 32 quốc gia này, có trung bình 10.8% (5.8% đến 30.3%) gái mại dâm được xét nghiệm chẩn đoán giang mai vẫn còn đang “hành nghề”.
Tại Việt Nam, do ảnh hưởng bởi yếu tố văn hóa và tâm lý của người bệnh, chính vì vậy, số liệu về giang mai còn khá hạn chế. Bài báo cáo năm 2017 về tình hình nhiễm giang mai ở các quần thể nguy cơ tại Việt Nam đã chỉ ra rằng:
“Tỷ lệ hiện nhiễm giang mai ở PNMD được ghi nhận rất cao những năm 90 và đầu những năm 2000 (17% ở Hà Nội và 40% ở TP.HCM, Cần Thơ và An Giang) và có xu hướng tăng lại trong giai đoạn 2010-2016 (từ 1% lên 2,1%). Giai đoạn này cũng ghi nhận sự gia tăng tỷ lệ hiện nhiễm ở MSM tại khu vực phía Nam (từ 0,5% lên 6,1%), tăng ở mức dịch ở quần thể chuyển giới nam (17% tại TP.HCM) và số ca giang mai tăng gấp 3,5 lần (từ 787 lên 2.736 ca) và sự quay lại của giang mai bẩm sinh ở TP.HCM. Tỷ lệ hiện nhiễm giang mai thấp ở quần thể TCMT (<2%) và người nhiễm HIV (<0,5%). Các dữ liệu hiện có cho thấy bệnh giang mai đang tái lan truyền nhanh ở phụ nữ mại dâm và MSM.”
Triệu chứng lâm sàng
Thời kỳ 1
Đây là thời kỳ ủ bệnh, giai đoạn này thường kéo dài khoảng 10-100 ngày. Sau thời gian ủ bệnh, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng của hạch và săng . Săng giang mai có những đặc điểm nhận dạng sau:
- Vết trợt nông, hình tròn hoặc bầu dục
- Kích thước 0.5-2cm
-Giới hạn rõ và đều đặn
-Đáy sạch, màu đỏ tươi như thịt, nền cứng (săng cứng)
-Bóp không đau
Săng thường được gặp ở niêm mạc sinh dục. Ở nam thường gặp ở quy đầu, miệng sáo, bìu, dương vật… Ở nữ hay gặp ở môi lớn, môi bé, mép âm hộ,… Ngoài ra, săng cũng có thể được bắt gặp tại môi, lưỡi,… Hạch xuất hiện sau từ 5-6 ngày kể từ khi có săng, hạch bẹn sưng to, tạo thành chùm. Trong đó, có hạch to nhất được gọi là hạch chúa.
Thời kỳ 2
Thời kỳ này bắt đầu từ khoảng 45 ngày sau khi có săng và kéo dài từ 2-3 năm. Trong giai đoạn này, bệnh nhân sẽ xuất hiện các tổn thương da và niêm mạc, không để lại sẹo khi lành. Xoắn khuẩn giang mai có thể gây nhiễm trùng huyết với các biểu hiện như sốt và nổi hạch. Thời kỳ này, cơ thể bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như:
- Sẩn nổi cao trên da mặt, rắn chắc, màu đỏ hồng. Sẩn giang mai có nhiều hình thái đa dạng (sẩn màu đỏ hồng, thâm nhiễm và có thể có viền xung quanh, sẩn dạng vẩy nến, sẩn dạng trứng cá, sẩn hoại tử,…)
- Ở những vùng cơ thể nóng và ẩm như kẽ mông, hậu môn, âm hộ, nách, các sẩn thường có chân bè to lan rộng ra gọi là sẩn phì đại (hypertrophic papule), bề mặt phẳng và ướt, có khi xếp thành vòng xung quanh hậu môn, âm hộ.
- Viêm hạch lan tỏa
- Rụng tóc rừng thưa
- Đào ban tái hồi với những biểu hiện toàn thân như: Viêm mống mắt, viêm gan, viêm họng khàn tiếng, viêm màng xương, đau nhức xương đùi về đêm, viêm thận, biểu hiện thần kinh ( đau, nhức đầu).
Nếu không được điều trị, các tổn thương này sẽ không mất, bệnh sẽ không khỏi và tiếp tục tàn phá cơ thể. Đây là trạng thái giang mai kín (giang mai ẩn).
Thời kỳ 3
Đây là thời kỳ xuất hiện rất muộn, thường từ 5-15 năm sau khi bệnh nhân có săng. Ở giai đoạn này, tổn thương do giang mai gây ra có tính ăn sâu, phá hủy tổ chức nội tạng khiến cơ thể không thể phục hồi và có thể dẫn đến tử vong.
Điều trị bệnh giang mai
Trên thế giới hiện nay đều sử dụng penicillin chậm tiêu – Benzathine penicillin để điều trị bệnh giang mai. Bệnh nhân được tiêm 4 mũi, mỗi mũi cách nhau 7 ngày nhưng không được quá 14 ngày. Vị trí tiêm tại vùng bắp sâu (mông). Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, sử dụng đúng loại thuốc, đúng liều lượng, áp dụng đúng phương pháp để tránh hiện tượng nhờn thuốc.
- Không được tự ý dừng hoặc thay đổi quy trình sử dụng thuốc, kể cả khi các triệu chứng bệnh giang mai biến mất, vẫn phải sử dụng đủ liều thuốc theo đúng chỉ định các bác sĩ chuyên khoa nhằm đảm bảo quá trình điều trị được triệt để.
- Tái khám sau quá trình điều trị theo đúng định kỳ để kiểm tra xác nhận kết quả bệnh đã được chữa trị dứt điểm hay không.
Cách phòng bệnh
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bệnh giang mai có thể phòng tránh được hiệu quả bằng một số biện pháp như sau:
- Sử dụng BCS khi QHTD. Khi QHTD bằng miệng nên sử dụng đập nha khoa
- Không sử dụng chung các vật dụng có thể dính máu, dịch cơ thể như: bàn chải, dao cạo râu,…
- Nên giới hạn số lượng bạn tình hoặc chỉ quan hệ với người yêu/ vợ chồng.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên.
- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về tình dục an toàn cho thanh, thiếu niên.
Khi nghi ngờ mắc bệnh, ban nên đi xét nghiệm giang mai sớm để có thể được điều trị kịp thời, tránh để lại di chứng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Bằng sự tận tâm và thấu hiểu cùng với đội ngũ bác sỹ giàu kinh nghiệm, phòng khám Hải Đăng đã trở thành địa chỉ xét nghiệm và điều trị bệnh giang mai được nhiều khách hàng tin tưởng. Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và đồng hành cùng bạn.
Hãy đến ngay với Phòng Khám Hải Đăng để được thăm khám, tư vấn và xét nghiệm ngay hôm nay.
Thông tin liên hệ:
🏢 Địa chỉ: số 15A Ngõ 98 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.
☎️ Hotline: 024 7308 3838 – 038.991.5664 hoặc 0973.185.165
⏰ Làm việc: 09:00 - 17:30 (Thứ 2 - Thứ 7 hàng tuần, trừ ngày lễ tết)