alt

Moderna khởi động thử nghiệm vắc-xin HIV đầu tiên trên người

  Thứ Mon, 23/08/2021

Hãng dược phẩm Moderna vừa khởi động thử nghiệm vắc-xin HIV đầu tiên trên người bằng công nghệ mRNA. Dự kiến, trong trường hợp khả thi, chúng ta sẽ có vắc-xin phòng ngừa HIV vào năm 2026.

Ngày hôm qua 20/8 theo giờ Việt Nam, hãng dược phẩm Moderna đã chính thức khởi động giai đoạn I thử nghiệm lâm sàng một vắc-xin ngừa HIV đầu tiên dựa trên công nghệ mRNA. Trong đó, 56 người khỏe mạnh tuổi từ 18-50 sẽ được tiêm các liều vắc-xin HIV (tên mã là mRNA-1644 và mRNA-1644v2-Core) để kiểm tra tính an toàn cũng như khả năng sinh miễn dịch.

Vắc-xin HIV của Moderna được phát triển dựa trên công nghệ mRNA, tương tự như vắc-xin COVID-19 để chống lại virus SARS-CoV-2. Thử nghiệm của vắc-xin này đã được đệ trình lên Cơ quan đăng ký Thử nghiệm Lâm sàng của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, hiện có thể tra cứu trên trang web ClinicalTrials.gov.

 

Trong một vài thập kỷ trở lại đây, việc quản lý và điều trị HIV/AIDS đã đạt được những tiến bộ nhất định, đặc biệt là với sự giúp sức của thuốc ARV có hiệu quả cao trong việc loại bỏ hầu hết dấu vết của virus khỏi cơ thể người nhiễm bệnh.

Mặc dù không thể tiêu diệt toàn bộ virus HIV và chữa khỏi hoàn toàn cho bệnh nhân, nhưng những người dương tính với HIV uống thuốc ARV thường xuyên có thể giảm tải lượng virus trong cơ thể họ xuống mức không thể phát hiện được, loại bỏ nguy cơ lây nhiễm sang cho người khác.

Có điều HIV nổi tiếng là một virus gian xảo. Nó vẫn có nhiều mánh khóe để trốn tránh hệ miễn dịch và tồn tại trong cơ thể chúng ta. HIV có khả năng thay đổi các bộ phận trong cấu trúc của nó rất nhanh chóng, khiến các kháng thể trước đây từng đặc hiệu với virus sớm muộn cũng không còn có thể nhận ra chúng.

Khác với protein gai bên ngoài virus SARS-CoV-2 hiếm khi đột biến, các gai bên ngoài virus HIV đột biến liên tục và tạo ra các biến thể HIV mới. Ngay lúc này, trên thế giới đang có khoảng 50 triệu biến thể virus HIV khác nhau nếu phân chia chúng dựa trên tiêu chí đó.

Điều này khiến cho nỗ lực phát triển vắc-xin chống lại HIV vẫn rơi vào bế tắc.

Cơ hội chỉ mở ra sau khi một số nhà khoa học quan sát thấy một số cá nhân đặc biệt có thể tạo ra được những kháng thể đáp ứng rộng với nhiều chủng HIV cùng một lúc. Các kháng thể này tập trung tấn công vào phần cấu trúc ổn định của virus, nơi HIV hiếm khi đột biến. Chính điều này đã giúp kháng thể duy trì hiệu lực dù virus có biến đổi.

Chiến lược chuyển sang tạo ra một loại vắc-xin HIV có khả năng kích thích hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể trung hòa phổ rộng được gọi tắt là bnAbs này. Đó cũng là cách mà Moderna đang đặt cược vào nền tảng vắc-xin mRNA mới của họ, khi vắc-xin mRNA chống lại virus SARS-CoV-2 cũng đang có khả năng kích hoạt bnAbs.

Vậy vắc-xin mRNA hoạt động như thế nào? Không giống như các loại vắc-xin truyền thống, thường chứa những tiểu phần của virus được làm suy yếu hoặc bất hoạt, vắc-xin mRNA chứa những phân tử RNA thông tin được ví như một "tập sách hướng dẫn" được truyền vào tế bào của chúng ta. Nó hướng dẫn tế bào tạo ra những protein cụ thể của virus và biến chính tế bào thành nhà máy sản xuất vắc-xin.

Trong một khoảng thời gian ngắn (thường là 24 đến 48 giờ), các tế bào của chúng ta bắt đầu tạo ra các protein này. Hệ miễn dịch sau đó phát hiện ra chúng và đánh dấu chúng là các phần tử ngoại lai để tạo ra phản ứng. Đó như một cuộc tập trận cho phép các tế bào miễn dịch khi tiếp xúc với virus thực sự sẽ nhận ra chúng và chống lại được căn bệnh mà nó gây ra.

"Giả thuyết mà chúng tôi đưa ra là việc tiêm chủng liên tiếp với một nguyên tố nhắm mục tiêu dòng mầm, sau đó là các kháng nguyên tăng cường định hướng có thể tạo ra các lớp phản ứng cụ thể của tế bào B và hướng dẫn tế bào này trưởng thành sớm theo hướng biến thành kháng thể trung hòa phổ rộng ( bnAb) thông qua nền tảng mRNA", bản đệ trình thử nghiệm lâm sàng của Moderna viết.

Hiểu một cách đơn giản, ứng cử viên vắc-xin HIV của họ không những có thể tạo ra các protein gai của HIV mà còn có khả năng kích thích tế bào miễn dịch B biến thành các kháng thể trung hòa phổ rộng (bnAbs) để nhận diện và tiêu diệt virus HIV.

Các nhà khoa học của Moderna hi vọng sự kết hợp này sẽ chấm dứt chuỗi thất bại liên tiếp trước đây của các hãng dược phẩm khác trong việc tìm ra một vắc-xin chống lại được căn bệnh thế kỷ. Nhưng để xem liệu ý tưởng đó có thành công hay không, chúng ta sẽ phải chờ ít nhất 10 tháng sau để biết kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I của vắc-xin này.

Trong một thông báo với các cổ đông vào tháng 4, Moderna cho biết họ còn đang phát triển một ứng cử viên vắc-xin HIV khác được gọi là mRNA-1574. Và vắc-xin mRNA cũng đang được nghiên cứu để ngăn ngừa nhiều loại virus nữa, chẳng hạn như vi rút herpes simplex và cúm mùa.

Công ty cho biết họ có kế hoạch bắt đầu ba thử nghiệm lâm sàng đối với các ứng viên vắc-xin HIV vào năm 2021. Thông thường, quá trình phát triển các loại vắc-xin như thế này sẽ kéo dài khoảng 5 năm. Vì vậy, trong kịch bản khả thi nhất, chúng ta sẽ có được một vắc-xin chống lại HIV vào năm 2026, khi chúng đã vượt qua tất cả các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Tham khảo Gizmodo

Viết bình luận của bạn:

Đăng ký khám trực tuyến

Thủ tục đơn giản, hỗ trợ nhanh chóng, tiết kiệm chi phí

Đặt lịch hẹn khám

Bạn đang cần được tư vấn ?

Zalo PHÒNG KHÁM HẢI ĐĂNG