Với sự bùng nổ lớn của các app hẹn hò cho cộng đồng và các trang phim “heo” trong thời đại số, nghiện tình dục trở thành một vấn đề nan giải hơn với nhiều người thuộc cộng đồng LGBT. Nhiều nguồn thông tin đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với những nguồn thông tin ấy chỉ là một phần còn phần quan trọng dẫn tới việc nghiện tình dục là sự thiếu thốn về các mối quan hệ xã hội có ý nghĩa. Liệu điều đó có phải sự thực?
Theo tiến sĩ tâm lý Patrick Carnes, nghiện tình dục là “ bất kì những hành vi tình dục mà một người không thể kiểm soát được, làm ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật, gây ra nhiều căng thẳng cho gia đình, bạn bè, những người họ yêu thương, và công việc”. Các hành vi này bao gồm nhưng không chỉ bị giới hạn bởi không kiểm soát được việc thủ dâm, xem phim “heo”, quan hệ tình một đêm nhiều lần trong một thời gian ngắn, và duy trì nhiều mối quan hệ cùng lúc với mục đích quan hệ với nhiều người song song.
Tại sao người LGBT lại dễ gặp phải vấn đề này? Tuy xã hội đã dần cởi mở hơn về vấn đề tính dục, việc công khai bản thân, cảm thấy được chấp nhận bởi cộng đồng, và tìm tới các mối quan hệ mà không cần phải che giấu vẫn còn là những điều nằm ngoài tầm với của người LGBT. Khi chúng ta luôn phải nghe cùng một thông điệp rằng chúng ta phải che giấu bản thân mình, rằng không ai chấp nhận với chúng ta, rằng chúng ta sẽ cô đơn cả đời vì tính dục của mình, chúng ta sẽ tự tạo cho mình một mưu cầu lớn được ủng hộ, được mến thương, được chấp nhận bởi những người khác, bất kể dù họ có là ai. Và với sự phát triển của các app hẹn hò như Grindr hay Blued hay những clip phim “heo” ngắn trên Twitter, người LGBT cảm thấy họ có thể đáp ứng được mưu cầu này. Nhưng chính bởi mưu cầu này không đặt mục tiêu cụ thể vào đối tượng nào nên mưu cầu này tạo nên một khoảng không lớn bên trong người LGBT. Một khoảng không mà họ càng tìm được một người để cho mình sự chấp nhận trong tíc tắc qua việc quan hệ thì họ càng muốn tìm tiếp người tiếp theo. Cứ thế và cứ thế chúng ta bơi trong một khoảng không mà chúng ta cảm thấy không thể quay lại bờ được nữa, phải không?
Trong một cuộc TED Talk, diễn giả Johann Hari đã nhấn mạnh rằng, nếu hành vi nghiện là một mặt của đồng xu thì mặt còn lại là sự kết nối. Đây chính là chìa khoá để giải phóng người LGBT khỏi cái khoảng không gian mênh mông mà họ bị giam cầm nói trên. Chính vì chúng ta luôn mưu cầu những kết nối có ý nghĩa và lâu dài với những người xung quanh, khi chúng ta không nhận được những điều này từ môi trường của mình, chúng ta sẽ luôn muốn kiếm tìm chúng ở những nơi khác. Nhưng cuộc rượt đuổi này sẽ chỉ thực sự kết thúc khi ta biết xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa và lành mạnh mà thôi. Những mối quan hệ này ra sao? Khi ở bên cạnh một người khác chúng ta cảm thấy được là chính mình. Chúng ta cảm thấy được ủng hộ. Chúng ta được yêu thương.
Việc nhận diện và xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa này là một hành trình chữa lành. Và đôi lúc bạn cần sự hỗ trợ từ một người nào đó. Người đó có thể là một người có trải nghiệm tương tự. Việc cùng nhau trao đổi về những vấn đề mà bản thân có và quan trọng hơn là không để người còn lại tiếp tục tìm một chút fun hoặc xem phim “heo” chỉ vì họ cảm thấy không cưỡng lại được nữa là những điều hai người cùng trải nghiệm có thể giúp đỡ lẫn nhau. Thêm vào đó, việc nhận diện đâu là những mối quan hệ có ý nghĩa cho cuộc sống của bạn, tháo gỡ từng những thói quen tình dục của bản thân, và cho bạn những lời khuyên hữu ích những lúc “thèm quá” có thể đòi hòi sự trợ giúp của một nhà tham vấn tâm lý thân thiện, không phán xét.
Nếu bạn cần sự chia sẻ hoặc hỗ trợ, hãy liên hệ với dịch vụ hỗ trợ tâm lý của Phòng khám Hải Đăng tại HOTLINE 0247.308.3838 hoặc 0377.503.283 nhé!
🏢 Địa chỉ: số 15A Ngõ 98 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.
☎️ Hotline: 024 7308 3838 - 097 969 3436
⏰ Làm việc: 09:00 – 17:30 (Thứ 2 – Thứ 7)